CẢI CÁCH THỊ TRƯỜNG ĐIỆN SẼ GIÚP ÍCH NHIỀU CHO EU

CẢI CÁCH THỊ TRƯỜNG ĐIỆN SẼ GIÚP ÍCH NHIỀU CHO EU
23/10/2023 07:39 AM 214 Lượt xem

Sau nhiều tranh cãi, Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí cải cách việc trợ cấp thị trường điện.

Thỏa hiệp về kế hoạch cải cách năng lượng không chỉ bảo đảm an sinh xã hội đối với người dân mà còn tăng cường sự tự chủ của khối.


Mạng lưới điện gần Munich, Đức. Ảnh: AFP/TTXVN

* Kế hoạch cải cách thị trường điện gây tranh cãi

Suốt hai năm qua, Tây Ban Nha cũng như Pháp đã kêu gọi EU cải cách nhằm cho phép các hộ gia đình và doanh nghiệp được hưởng lợi từ chi phí sản xuất tương đối thấp mà năng lượng hạt nhân hoặc năng lượng tái tạo có thể mang lại.

Trong khi đó, các nước khác, nhất là Đức, vốn phụ thuộc nhiều hơn vào khí đốt, không muốn can thiệp vào các cơ chế đang có hiệu lực nhằm đảm bảo an ninh nguồn cung.

Tuy nhiên, cuộc xung đột ở Ukraine, việc Nga cắt giảm nguồn cung khí đốt đẩy giá điện tại EU lên mức cao kỷ lục trong năm ngoái cũng như tình trạng lạm phát ở châu Âu đã làm thay đổi tình hình.

Nhu cầu ứng phó với Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) của Mỹ - theo đó cung cấp khoản trợ cấp trị giá 350 tỷ euro cho ngành công nghiệp xanh và mở rộng khoảng cách cạnh tranh giữa các công ty Mỹ và châu Âu - cũng khiến nhiều nước kêu gọi cải cách thị trường điện.

Trước thực tế đó, vào tháng 3/2023, Ủy ban châu Âu (EC) đã đề xuất một loạt điều chỉnh về thị trường điện của EU sau khi ngừng sử dụng nguồn cung khí đốt của Nga.

Những đề xuất này nhằm bảo vệ người tiêu dùng tốt hơn trước biến động của thị trường nhiên liệu hóa thạch bằng việc chuyển sang các hợp đồng có giá cố định và lâu dài hơn, hay còn gọi là hợp đồng chênh lệch (CFD).

Theo đó, chính phủ ấn định giá cho nhà sản xuất điện. Nếu giá thị trường thấp hơn mức giá cố định, chính phủ sẽ bồi thường nhà sản xuất. Nếu giá thị trường cao hơn, chính phủ có quyền sử dụng lợi nhuận thặng dư của nhà sản xuất để hỗ trợ hộ gia đình và doanh nghiệp.

Tuy nhiên, tiến trình đưa những đề xuất trên thành luật bị "kẹt" do bất đồng giữa Đức và Pháp xoay quanh nội dung liên quan đến cách thức sử dụng trợ cấp của chính phủ trong các dự án điện.

Đức quan ngại rằng Pháp, nước sở hữu nhiều nhà máy điện hạt nhân, sẽ có lợi thế cạnh tranh do năng lượng hạt nhân rẻ hơn và phần doanh thu từ các hợp đồng điện do chính phủ hỗ trợ có thể được sử dụng để trợ giá cho các ngành công nghiệp.

Pháp phản đối ý kiến trên. Trong một tuyên bố ngày 17/10,  Bộ trưởng Chuyển đổi năng lượng của Pháp Agnes Pannier-Runacher nhấn mạnh "bất kỳ điều gì tạo ra chênh lệch giữa điện hạt nhân và năng lượng tái tạo đều không tốt cho người dân châu Âu bởi sẽ làm tăng giá ở châu Âu".

Trong khi đó, Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck nhấn mạnh "sân chơi bình đẳng" tại châu Âu và nêu rõ không được phá hoại sân chơi này bằng các hình thức thị trường năng lượng đặc biệt.

Đứng về phía Pháp trong cuộc tranh cãi này là các quốc gia Trung và Đông Âu vốn cũng có tham vọng mở rộng năng lượng hạt nhân, trong khi Đức nhận được sự ủng hộ của Áo, Bỉ, Đan Mạch và Luxembourg.

Bế tắc về chương trình cải cách thị trường điện tiếp tục khi cuộc họp ngày 19/6 của các bộ trưởng năng lượng EU đã kết thúc mà không thể đạt được đồng thuận về các quy tắc mới cho chương trình cải cách thị trường điện của khối do vướng phải tranh cãi về đề xuất của Thụy Điển kéo dài trợ cấp các nhà máy nhiệt điện than.


Giá điện ở châu Âu được thiết lập dựa trên chi phí vận hành của nhà máy cung cấp phần điện năng cuối cùng cần thiết. Ảnh minh họa: New York Times

* Các nước EU nhất trí cải cách trợ cấp thị trường điện

Với mục tiêu hoàn thành cải cách trong năm 2023, Bộ trưởng Năng lượng các nước EU đã nhóm họp ngày 17/10 nhằm tháo gỡ bất đồng dưới sự chủ trì của Tây Ban Nha, quốc gia đang đảm nhiệm cương vị Chủ tịch luân phiên EU.

Tại cuộc hộp, Bộ trưởng năng lượng các nước EU nhất trí một phần trong đề xuất pháp lý mới của EC về cải cách thị trường điện đó là diễn giải cách sử dụng trợ cấp nhà nước cho các dự án điện - vấn đề gây tranh cãi do những quan ngại, đặc biệt từ phía Đức, rằng việc trợ cấp có thể bóp méo cạnh tranh trên thị trường.

Trong một đề xuất mang tính thỏa hiệp, tất cả các khoản trợ cấp nhà nước trong tương lai cho các nhà máy điện hạt nhân và năng lượng tái tạo phải áp dụng hình thức các khoản trợ cấp "hợp đồng chênh lệch" dựa trên định giá năng lượng.

Tuy nhiên, các chính phủ vẫn có thể trao những hợp đồng như vậy cho các nhà máy điện hiện có khi thực hiện những khoản đầu tư đáng kể nhằm nâng công suất hoạt động hoặc kéo dài tuổi thọ của các nhà máy đó.

Đề xuất cũng bổ sung các điều kiện để xoa dịu quan ngại của Đức và các nước khác.

Theo đó, các khoản trợ cấp phải bảo đảm việc sử dụng nguồn thu từ các chương trình này - chẳng hạn như phân phối tiền mặt để hỗ trợ các ngành công nghiệp địa phương - không bóp méo tính cạnh tranh hoặc hoạt động thương mại tại EU.

Văn bản pháp lý vừa được các nước thành viên EU thông qua cho phép đáp ứng nhu cầu điện trên khắp châu lục mà không bị gián đoạn nguồn cung, kể cả trong giai đoạn nhu cầu sử dụng tăng cao đỉnh điểm.

Vẫn là nhà máy điện cuối cùng được kêu gọi đáp ứng nhu cầu tiêu thụ, thường là một nhà máy điện khí, quyết định giá điện.

Tuy nhiên từ nay, EU khuyến khích việc sử dụng các hợp đồng dài hạn giữa một bên là các nhà sản xuất năng lượng carbon thấp và bên kia là các nhà công nghiệp hoặc nhà nước. Mấu chốt của vấn đề là giá cả sẽ được ấn định từ trước, cho phép người tiêu dùng cân đối chi phí trong khi nhà cung cấp có thể tính toán được nguồn thu.

Quy định mới sẽ trao cho người thanh toán hóa đơn quyền yêu cầu một hợp đồng giá cố định từ bất kỳ nhà cung cấp điện lớn nào, thay vì chỉ có quyền yêu cầu một hợp đồng có thể thay đổi giá như hiện nay.

Hiện tại, giá điện ở châu Âu được thiết lập dựa trên chi phí vận hành của nhà máy cung cấp phần điện năng cuối cùng cần thiết, thường là nhà máy khí đốt, để đáp ứng nhu cầu chung. Khi giá khí đốt tăng đột biến, giá điện cũng tăng vọt.

Do đó, cách làm mới sẽ tránh được việc người dùng phải trực tiếp chịu ảnh hưởng mỗi khi thị trường năng lượng biến động.

Các quy tắc mới đối với thị trường điện của khối, nhắm đến việc mở rộng nguồn cung điện phát thải ít carbon và tránh để tái diễn cuộc khủng hoảng năng lượng hồi năm 2022 khi người dân phải chi trả hóa đơn năng lượng đắt đỏ do giá khí đốt ở mức cao kỷ lục.

Hệ thống năng lượng của châu Âu là một trong những hệ thống tốt nhất trên thế giới và được tích hợp độc đáo. Cuộc khủng hoảng ngày nay sẽ tồi tệ hơn nhiều nếu các quốc gia không thể mua bán điện với các nước láng giềng.

Đây là những sức mạnh vô song để chống chọi với khủng hoảng và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng.

Việc các nước thành viên tìm được tiếng nói chung về cải cách thị trường điện cũng được kỳ vọng sẽ góp phần tăng tốc cuộc cải tổ năng lượng tái tạo, đảm bảo thị trường sẵn sàng cho 70% năng lượng tái tạo trong hỗn hợp điện của EU vào năm 2030 trong bối cảnh châu Âu đang cố gắng gia tăng tỷ lệ năng lượng tái tạo trong bức tranh năng lượng chung, qua đó đưa hệ thống điện trở nên linh hoạt và tự chủ hơn.

Dự thảo đưa ra những quy tắc sẽ cho phép các nhà khai thác mạng lưới điện trả tiền cho những người tham gia thị trường để sử dụng ít điện hơn, hoặc sử dụng nguồn năng lượng dự trữ trong thời kỳ cao điểm về nhu cầu sử dụng điện.

Một thị trường điện phù hợp với tương lai sẽ chống lại sự mất an toàn do nhiên liệu hóa thạch và các cú sốc về giá; đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang hệ thống điện sạch và nền kinh tế khử carbon; đồng thời duy trì sự thống nhất và đoàn kết của EU./.

Thanh Lâm

Chia sẻ:
Bài viết khác:
zalo
HOTLINE0853778246