BỘ CÔNG THƯƠNG TIẾP TỤC ĐỀ XUẤT ĐIỀU CHỈNH GIÁ ĐIỆN 3 THÁNG/LẦN

BỘ CÔNG THƯƠNG TIẾP TỤC ĐỀ XUẤT ĐIỀU CHỈNH GIÁ ĐIỆN 3 THÁNG/LẦN
17/10/2023 07:34 AM 144 Lượt xem

Bộ Công Thương cho rằng việc đề xuất rút ngắn thời gian điều chỉnh giá điện tối thiểu từ 6 tháng xuống 3 tháng là phù hợp. Chu kỳ xem xét điều chỉnh giá điện 3 tháng phù hợp với chu kỳ họp của Ban Chỉ đạo điều hành giá. Nội dung này cũng đã được lấy ý kiến các bộ ngành và không có ý kiến phản đối.

Việc điều chỉnh giá điện bình quân 3 tháng/lần nhằm phân bổ kịp thời các chi phí sản xuất kinh doanh điện, tránh chi phí bị dồn tích quá lớn. Ảnh: EVN
Điều chỉnh giá điện 3 tháng/lần

Bộ Công Thương vừa có báo cáo gửi Thủ tướng thông tin thêm về đề xuất điều chỉnh giá điện 3 tháng một lần, khi dự thảo quyết định thay thế Quyết định 24 về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân.

Bộ Công Thương cho rằng, mặc dù đã có quy định giá điện được xem xét điều chỉnh theo biến động thông số đầu vào, nhưng thực tế việc điều chỉnh giá bán điện bình quân các năm qua thường thấp hơn so với phương án đề xuất của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và kết quả rà soát của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Điều này dẫn tới chi phí bị dồn tích do mức điều chỉnh không đủ để thu hồi chi phí phát sinh. Thực tế sẽ có những khoản chi phí chưa được tính đầy đủ hoặc chưa được tính vào giá điện.


Bộ Công Thương tiếp tục đề xuất điều chỉnh giá điện 3 tháng/lần để 'iảm tác động tới kinh tế vĩ mô và khách hàng. Ảnh: EVNNPC
Trong khi đó, Quyết định 24 quy định chu kỳ điều chỉnh là 6 tháng. Vì vậy, với việc giá điện cần được điều chỉnh theo lộ trình để giảm thiểu tác động tới kinh tế vĩ mô và khách hàng sử dụng điện, Bộ Công Thương cho rằng cần xem xét rút ngắn chu kỳ điều chỉnh giá.

Bộ Công Thương cho rằng việc đề xuất rút ngắn thời gian điều chỉnh giá điện tối thiểu từ 6 tháng xuống 3 tháng là phù hợp. Chu kỳ xem xét điều chỉnh giá điện 3 tháng phù hợp với chu kỳ họp của Ban Chỉ đạo điều hành giá. Nội dung này cũng đã được lấy ý kiến các bộ ngành và không có ý kiến phản đối.

Mục tiêu là vừa đảm bảo chi phí không bị dồn tích quá nhiều có thể gây ảnh hưởng đến cân bằng tài chính của EVN, vừa có thể cân nhắc những thời điểm mà các chỉ số kinh tế vĩ mô thuận lợi để xem xét thực hiện việc điều chỉnh giá điện. Từ đó, cũng dần đưa giá điện thích ứng với sự biến động của các thông số đầu vào theo thị trường.

Cần lập Hội đồng năng lượng độc lập

Trao đổi với Lao Động, chuyên gia năng lượng Đào Nhật Đình cho rằng, tuy đề xuất thời gian điều chỉnh giá bán lẻ điện 3 tháng là theo đúng cơ chế thị trường, nhưng hiện Quyết định 24 của Chính phủ ban hành từ năm 2017 cho phép thời gian điều chỉnh giá bán điện bình quân tối thiểu là 6 tháng kể từ lần điều chỉnh giá điện gần nhất cũng chưa thực hiện được vì EVN không dám tự điều chỉnh giá điện.

“Về mặt thị trường điện, trong khối ASEAN thì số quốc gia điều chỉnh giá điện từ 3-4 tháng chiếm số lượng nhiều nhất. Điều chỉnh giá điện 3 tháng cũng được, nhưng vấn đề đặt ra là phải làm sao để công khai, minh bạch, tránh tình trạng lạm quyền.

Để làm được điều đó, theo tôi, phương án tốt nhất là Việt Nam nên thành lập Hội đồng năng lượng độc lập, ngoài EVN, nhằm đánh giá giá nhiên liệu đầu vào để điều chỉnh đầu ra.

Tôi nghĩ rằng, Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) nên làm việc, mời thêm những chuyên gia đầu ngành về năng lượng và giá do Chính phủ chỉ định, để quyết định việc điều chỉnh giá điện. Trường hợp, nếu giá than biến động mạnh thì có thể điều chỉnh 3 tháng một lần, còn không thì điều chỉnh 6 tháng 1 lần để tránh giật cục”, chuyên gia Đào Nhật Đình nói.

Bên cạnh đó, theo chuyên gia Đào Nhật Đình, khi điều chỉnh giá điện, cần lấy giá nguyên liệu để làm chuẩn. Ví dụ Singapore lấy giá gas (xuất ở cảng Singapoore) làm chuẩn, ở Thái Lan do Nhà Vua chỉ định nhưng cũng lấy giá gas làm chuẩn.

Còn ở Việt Nam, tính chất nguyên liệu có phát điện có đặc thù khác, do vậy, cần lấy giá than của Indonesia làm chuẩn. Than của Indonesia là than nhiệt (phù hợp với nhiệt điện ở Việt Nam), còn than của Australia chủ yếu là than đá, không phù hợp với nhiệt điện ở Việt Nam.

“Việc điều chỉnh giá điện 3 tháng một lần không nhất thiết phải điều chỉnh toàn bộ bảng giá mà có thể đặt ra phụ trợ nhiên liệu, khi nào giá than tăng thì giá điện cũng tăng theo và ngược lại, khi giá than giảm thì giá điện cũng phải giảm theo”, ông Đào Nhật Đình nói.

Anh Tuấn

Chia sẻ:
Bài viết khác:
zalo
HOTLINE0853778246