BỘ CÔNG THƯƠNG CẦN ỦNG HỘ CHUYỂN ĐỔI ĐIỆN THAN SANG ĐIỆN KHÍ LNG

BỘ CÔNG THƯƠNG CẦN ỦNG HỘ CHUYỂN ĐỔI ĐIỆN THAN SANG ĐIỆN KHÍ LNG
25/09/2023 08:08 AM 306 Lượt xem

“Nếu cơ quan nào cản trở việc chuyển đổi dự án điện than sang điện khí là đi ngược lại công cuộc bảo vệ môi trường”, chuyên gia bình luận.

Tỉnh xin ý kiến, Bộ chưa thấy tín hiệu trả lời

UBND tỉnh Thanh Hóa kiến nghị Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà xem xét, thống nhất cho dự án nhiệt điện Công Thanh chuyển đổi nhiên liệu sử dụng than sang khí LNG nhập khẩu với công suất 1.500MW thuộc dự án LNG Nghi Sơn 1.500MW trong Quy hoạch điện VIII và cập nhật dự án vào Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII.

Khi chuyển đổi, nhà máy nhiệt điện Công Thanh sẽ sử dụng khí LNG nhập khẩu, tiêu thụ từ 1,2-1,5 triệu tấn/năm; công suất nhà máy sau khi chuyển đổi sẽ tăng từ 600MW lên 1.500MW. Sản lượng điện phát lên lưới trung bình hàng năm tăng từ 3,9 tỷ kWh lên 9 tỷ kWh. Tổng mức đầu tư dự án tăng từ 1,2 tỷ USD lên 2 tỷ USD.


Đến năm 2023, mục tiêu đạt công suất nhiệt điện LNG là 22.400MW chiếm 14,9%

Quy hoạch điện VIII được Thủ tướng Chính phê duyệt theo Quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023, xác định đến năm 2030 cơ cấu nguồn nhiệt điện khí trong nước và LNG sẽ đạt 37.330 MW, tương ứng 25,7% tổng công suất nguồn điện, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu nguồn điện; so sánh với nhiệt điện than / thủy điện / điện gió trên bờ và ngoài khơi lần lượt chiếm tỷ trọng là 20%, 19,5% và 18,5%. Trong đó, nhiệt điện khí trong nước là 14.930 MW chiếm 9,9% và nhiệt điện LNG là 22.400MW chiếm 14,9%.

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đánh giá: Với cơ cấu nguồn điện như trên, cùng với định hướng đến năm 2050 không còn sử dụng than cho phát điện thì vai trò chạy nền của các nhà máy điện khí LNG trong hệ thống điện là điều tất yếu vì là nguồn điện duy nhất không bị ảnh hưởng bởi thời tiết so với thủy điện, điện gió và điện mặt trời.

Tuy nhiên, đến nay việc xem xét sự chuyển đổi này để nhà đầu tư nắm được vẫn chưa có tín hiệu gì. Tại dự thảo Tờ trình mới nhất về kế hoạch triển khai thực hiện quy hoạch điện VIII đang được lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương, Bộ Công thương cũng chỉ chú thích ở phần phụ lục về việc tỉnh Thanh Hóa xin chuyển đổi dự án điện than Công Thanh sang điện khí LNG. Trong khi suốt phần nội dung của dự thảo Tờ trình, không có một dòng nào đề cập cụ thể đến xu hướng chuyển đổi các dự án điện than sang điện khí.

Theo các chuyên gia, đây là thiếu sót trong kế hoạch triển khai quy hoạch điện VIII bởi vì không phải chỉ tỉnh Thanh Hóa đề xuất chuyển dự án Công Thanh sang điện khí, mà một loạt địa phương cũng đã đề xuất chuyển đổi các dự án điện than trên địa bàn sang dùng khí LNG. Vì thế, tờ trình này nên có một nội dung cụ thể hướng dẫn thủ tục chuyển đổi các dự án điện than đã có trong quy hoạch điện VII điều chỉnh sang điện khí. Bởi đây sẽ là điều kiện tiên quyết để thực hiện lộ trình giảm điện than theo cam kết giảm phát thải ròng về 0 vào năm 2050.

Cản trở quá trình chuyển đổi là đi ngược chủ trương bảo vệ môi trường

Chia sẻ với phóng viên, TS Lê Hải Hưng, Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng: Việc chuyển đổi dự án điện than sang điện khí là vấn đề cấp thiết, không có gì phải bàn cãi. Điện khí LNG ít phát thải hơn nhiều so với điện than, thậm chí ít phát thải hơn khí đồng hành. Chúng ta đang làm cảng nhập LNG Thị Vải. Điện khí LNG khá an toàn cho an ninh năng lượng trong 10-20 năm tới.


TS Lê Hải Hưng, Đại học Bách khoa Hà Nội.

Theo TS Hưng, thế giới đang có một phong trào quay lưng với điện than. Còn ở Việt Nam, Quyết định 500 về quy hoạch điện VIII cũng đã có lộ trình cắt giảm điện than, tiến tới xóa bỏ hoàn toàn. Còn điện khí LNG trong trung hạn vẫn chưa bị dừng.

Ngoài ra, việc vay vốn của các dự án điện khí LNG cũng sẽ thuận lợi hơn nhiều so với điện than. "Rõ ràng Ngân hàng Thế giới hay các Tổ chức tài chính quốc tế đều đã dừng cho vay vốn làm điện than. Nếu vay vốn để làm nhà máy điện than là rất khó khăn, thay vào đó các tổ chức tài chính ưu tiên nguồn vốn cho các dự án năng lượng tái tạo. Thời điểm này, điện khí vẫn có thể vay vốn được dễ dàng hơn", ông Lê Hải Hưng chia sẻ.

Chủ đầu tư dự án nhà máy nhiệt điện Công Thanh cho hay, LNG đang là xu hướng của thế giới, do đó, việc thu xếp vốn để chuyển đổi nhà máy than sang LNG đã hoàn tất khi đã ký quỹ với tổ hợp nhà đầu tư gồm Tập đoàn BP (cung cấp khí cho dự án), Tập đoàn GE cung cấp thiết bị và Quỹ đầu tư Actis thu xếp tài chính.

Nói về quá trình để nhà đầu tư chuyển đổi dự án điện than Công Thanh sang làm điện khí, ông Lê Hải Hưng cho rằng: Bộ Công thương cần hỗ trợ nhà đầu tư trong việc phê duyệt sự chuyển đổi này. Tôi cũng thấy rằng các thủ tục phê duyệt, chuyển đổi dự án đều thường rất khó khăn.

"Tôi cho rằng tất cả những gì thuộc về con người làm ra thì đều có thể sửa chữa được. Phải tạo điều kiện bằng mọi cách ủng hộ nhà đầu tư", TS Lê Hải Hưng nhấn mạnh.

TS Hưng chia sẻ: Nếu cơ quan nào cản trở việc chuyển đổi dự án điện than sang điện khí là đi ngược lại công cuộc bảo vệ môi trường. Phải tạo mọi điều kiện, không được cản trở, thậm chí phải khuyến khích nhà đầu tư chuyển đổi từ dự án điện than sang điện khí. Bởi vì mục tiêu tối thượng của phát triển kinh tế bây giờ là hướng đến nền kinh tế phát triển bền vững, giảm phát thải".

Ngọc Diệp

Chia sẻ:
Bài viết khác:
zalo
HOTLINE0853778246