BÁO ĐỘNG CĂNG THẲNG TÀI CHÍNH TỪ CÁC DỰ ÁN NĂNG LƯỢNG TÁI TẠO

BÁO ĐỘNG CĂNG THẲNG TÀI CHÍNH TỪ CÁC DỰ ÁN NĂNG LƯỢNG TÁI TẠO
05/04/2023 01:54 PM 680 Lượt xem

Có 34 dự án “điện sạch” hoàn thành đầu tư với tổng giá trị 85 nghìn tỷ đồng, trong đó tiền vay ngân hàng 58 nghìn tỷ đồng đắp chiếu hơn một năm qua. Sự thay đổi của chính sách mua điện và tác động kéo dài của đại dịch Covid-19 dẫn đến không có doanh thu bán điện nhưng lãi vay vẫn phải trả. Những yếu tố này đang đẩy các dự án trước nguy cơ phá sản và để lại khối nợ xấu đối với hệ thống ngân hàng...

Nhiều doanh nghiệp năng lượng tái tạo có nguy cơ khủng hoảng dòng tiền.
Cuộc đua giá FIT (biểu giá điện cố định trong 20 năm) kết thúc hơn 1 năm trước. Tuy nhiên, có 34/84 dự án năng lượng chuyển tiếp với tổng công suất 2.090,97 MW, bao gồm: 28 dự án điện gió 1.638,35 MW và 6 dự án điện mặt trời 452,62 MWac, đã hoàn tất thi công và hoàn thiện công tác thử nghiệm nhưng vì không kịp tiến độ do đại dịch Covid-19 kéo dài nên không kịp hưởng giá điện cố định (giá FIT) như các quy định của Nhà nước.  Đó là: Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg ngày 10/9/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 37/2011/QĐ-TTg ngày 29/6/2011 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió và Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg ngày 6/4/2020 về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam.

DÒNG TIỀN BỊ "VỠ TRẬN"
Chia sẻ với Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy, TS. Hoàng Giang, Tổng Giám đốc Điện gió Sunpro, chủ đầu tư dự án nhà máy điện gió Sunpro 30MW tại Bến Tre cho biết, những dự án chuyển tiếp này còn  tốn chi phí nhiều hơn những dự án hoàn thành trước thời hạn. Bởi vì dự án  không có doanh thu, giá điện giảm hơn 20% so với giá cũ lại gánh nhiều chi phí phát sinh, nên cùng chung kết cục thua lỗ. “Một khi phương án tài chính đổ vỡ, rõ ràng nhà đầu tư sẽ sớm phá sản”, ông Giang lo lắng.

Theo ông Giang, hầu hết các dự án kể trên đều chậm tiến độ do nguyên nhân bất khả kháng từ đại dịch Covid-19, hoạt động mua sắm, vận chuyển thiết bị rơi đúng thời điểm phong tỏa khiến thủ tục đình trệ, việc huy động nhân lực gặp khó khăn vì phải thực hiện cách ly kéo dài, đặc biệt với chuyên gia nước ngoài.

Báo động căng thẳng tài chính từ các dự án năng lượng tái tạo - Ảnh 1
Còn theo ông Bùi Văn Thịnh, Chủ tịch Hiệp hội Điện gió và mặt trời Bình Thuận, hàng chục dự án đầu tư hàng chục ngàn tỷ đồng không đưa vào vận hành chắc chắn không có doanh thu, nhà đầu tư không thể trả nợ. Những hậu quả tai hại khó đong đếm được nếu dự án không đưa vào vận hành sớm, hoặc đưa vào vận hành với giá quá cao, sẽ khiến gánh nặng nợ xấu tăng lên tại các ngân hàng. 

Giờ đây, những dự án vay tới 70-80% vốn giờ đây khiến nhiều chủ đầu tư làm điện gió, điện mặt trời “đứng ngồi không yên” khi “cõng” nợ ngân hàng rất lớn cùng lãi suất cho vay tăng cao.

“Giá mua điện không hợp lý sẽ khiến nhà đầu tư bỏ luôn dự án, đương nhiên mất tiền đối ứng, còn lại ngân hàng sẽ siết nợ. Lãi vay phụ thuộc từng dự án do mỗi dự án có nguồn vay vốn vay riêng nhưng với lãi suất cao như hiện nay, đúng là nguy hiểm vô cùng”, ông Thịnh quan ngại.

Điều đáng lo là gánh nặng về tài chính với doanh nghiệp năng lượng tái tạo đang lớn dần. Theo thống kê của Fiinratings, trái phiếu tài trợ cho các dự án điện tái tạo tăng mạnh trong giai đoạn 2019-2021, chiếm tới 70-85% tổng giá trị trái phiếu năng lượng phát hành với thời hạn đáo hạn dài, trung bình 7-8 năm. Nguyên nhân doanh nghiệp năng lượng miệt mài huy động vốn trái phiếu thời gian qua là do các nhà đầu tư chạy đua vận hành thương mại (COD) để nhận được giá ưu đãi FIT cho các dự án điện mặt trời và điện gió. Tuy nhiên, do nhiều nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy cao và dự án không có dòng tiền về, khiến các doanh nghiệp ngành năng lượng tái tạo gặp nhiều khó khăn về tài chính, đặc biệt là những bất ổn của thị trường trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua buộc doanh nghiệp phải mua lại trái phiếu trước hạn.

Chẳng hạn, trong số 34 dự án với công suất chưa COD, có nhà máy điện mặt trời Trung Nam – Thuận Nam với công suất lớn nhất là 172,12 MW do Công ty TNHH Điện mặt trời Trung Nam-Thuận Nam (thuộc Trung Nam Group) làm chủ đầu tư. Thời gian qua, Trung Nam Group huy động vốn trái phiếu rất lớn nhằm phát triển mảng năng lượng mặt trời, với tổng huy động trái phiếu từ năm 2019 đến nay gần 34.000 tỷ đồng.

Do lãi suất tăng cao, kỳ thu tiền điện bình quân tăng đột biến ảnh hưởng đến dòng tiền kinh doanh của doanh nghiệp dẫn đến Trung Nam có nhiều thông báo về chậm trả lãi trái phiếu. Gần đây nhất, ngày 22/3, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội công bố báo cáo bất thường về tình hình thanh toán gốc, lãi mã trái phiếu TNGCH2223001. Theo đó, vào ngày 16/3, Trung Nam Group tất toán toàn bộ 9,37 tỷ đồng tiền lãi của lô TNGCH2223001, tuy nhiên, mới chỉ thanh toán 80 trong số 400 tỷ đồng tiền gốc của lô trái phiếu này.

Thời gian qua, hàng loạt ngân hàng như HDBank, Sacombank, VPBank, SHB, OCB… ồ ạt triển khai các chương trình cho vay các dự án năng lượng tái tạo, với tỷ lệ cho vay rất lớn. Chẳng hạn, tại Sacombank, HDBank, tỷ lệ cho vay là 70% nhu cầu vốn đầu tư dự án, VPBank là 80%, VietCapital Bank lên tới 85%... Điều này khiến dư nợ cho vay các dự án tín dụng xanh của các ngân hàng lên đến hàng trăm nghìn tỷ đồng. Thông tin từ Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước), đến giữa năm 2022, dư nợ cấp tín dụng đối với các dự án xanh đạt hơn 474.000 tỷ đồng, chiếm 4,1% tổng dư nợ toàn nền kinh tế và tăng 7,08% so với năm 2021, chủ yếu tập trung vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (47%).

Những dự án vay tới 70-80% vốn giờ đây khiến nhiều chủ đầu tư làm điện gió, điện mặt trời “đứng ngồi không yên” khi “cõng” nợ ngân hàng rất lớn cùng lãi suất cho vay tăng cao.

NHÀ ĐẦU TƯ LO SỢ RỦI RO CHÍNH SÁCH
Tuy nhiên, thiệt hại từ mặt chính sách mới chính là nguyên nhân các nhà đầu tư nản lòng. Theo thông tin VnEconomy có được, nhiều chủ đầu tư, nhiều dự án không gánh được chi phí phát sinh đang tính kế thanh lý máy móc, thiết bị đầu tư lên tới hàng trăm tỷ đồng để có tiền trả nợ ngân hàng. Nhiều dự án cũng phải ngậm ngùi bán cắt lỗ và cuối cùng một số đầu nậu ép giá được mức giá hợp lý, để có thể vận hành bằng mọi giá, còn tương lai thì tính sau. Thậm chí, nhiều nhà đầu tư Việt Nam ngoài mặt công bố là tạm dừng dự án, giảm bớt công việc ở Việt Nam nhưng thực chất là chọn quốc gia khác để đầu tư. Đây là điều rất đáng lo lắng.

Đầu năm 2023, dựa trên những tính toán từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Bộ Công Thương ban hành khung giá phát điện cho nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp tại Quyết định số 21/QĐ-BCT ngày 7/1/2023 ban hành khung giá điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp, sau một thời gian dài các dự án rơi vào đình trệ. Theo đó, giá điện mặt trời mặt đất là 1.184 đồng/kWh, thấp hơn 29,5% so với mức giá FIT đã công bố trước đó. Giá điện gió trên bờ và ngoài khơi cũng thấp hơn khoảng 21%, lần lượt là 1.587 đồng/kWh và 1.816 đồng/kWh.

Rõ ràng, khung giá này thấp hơn từ 21-29% so với cơ chế giá FIT gây thất vọng cho nhiều nhà đầu tư đã mòn mỏi chờ đợi quá lâu và không phải dự án nào cũng sẽ ghi nhận được mức sinh lời hiệu quả...
Theo: Vneconomy

Chia sẻ:
Bài viết khác:
zalo
HOTLINE0853778246